TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ GIÁO DỤC
Trong di sản Hồ Chí Minh, tư tưởng về giáo dục chiếm một vị trí quan trọng. Trong quá trình hoạt động cách mạng, từ khi đi tìm đường cứu nước đến lúc đi xa, Hồ Chí Minh luôn đặt giáo dục ở một vị trí đặc biệt. Theo Người: Giáo dục là một trong những phương tiện quan trọng nhất để nâng cao năng lực và phẩm chất của con người, mà trước hết là nâng cao lòng yêu nước và hoàn thiện nhân cách.
Giáo dục là một mặt trận quan trọng, không
có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế-văn hóa. Vì vậy Hồ
Chí Minh luôn quan tâm đặc biệt đến xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục của
đất nước. Người đã để lại cho chúng ta một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu
sắc về giáo dục và đào tạo bao gồm các vấn đề từ vai trò, vị trí giáo dục, mục
tiêu và nhiệm vụ của giáo dục; nguyên lý, phương châm giáo dục; phương thức,
phương pháp giáo dục cho đến tổ chức, quản lý, xây dựng đội ngũ; chủ trương,
chính sách đối với giáo dục. Đối tượng của giáo dục được Người quan tâm cũng rất
rộng: Từ mẫu giáo, vỡ lòng, phổ thông, chuyên nghiệp, đại học cho đến người lớn
tuổi, người già. Nội dung tư tưởng của Người về giáo dục thật phong phú, có thể
khái quát tập trung ở những điểm lớn sau:
1. Giáo dục là một chiến lược cơ bản, lâu
dài của cách mạng, một quốc sách hàng đầu
Quan điểm này của Hồ Chí Minh có từ rất sớm.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước vừa giành được độc lập,
trong 6 nhiệm vụ cấp bách Người đề ra cho Hội đồng Chính phủ lâm thời, có 2 nhiệm
vụ về giáo dục: Một là, cần “mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”, hai là cần
“mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân ta bằng cách thực hiện cần,
kiệm, liêm, chính”(1).
Người có nói những câu thật thấm thía: “Một
dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, “non sông Việt Nam có thể trở nên vẻ vang hay
không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc
năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”(2). Từ
đó, Người chỉ rõ: “Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc lúc này là
nâng cao dân trí", bởi không một quốc gia nào có thể tiến hành xây dựng một
chế độ xã hội mới và bảo vệ Tổ quốc thành công trong điều kiện văn hóa, dân
trí, đạo đức, tinh thần xã hội lại thấp kém.
Nói chuyện với giáo viên cấp 2, 3 toàn miền
Bắc (9-1958), Người nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích
trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải tạo ra những công dân tốt, cán bộ
tốt cho nước nhà… Đó là một trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang”(3).
Giáo dục có quan hệ đến thịnh suy của đất
nước, hưng vong của quốc gia còn được thể hiện trong tư tưởng chiến lược của Hồ
Chí Minh: “Làm tốt thì thế hệ sau này có ảnh hưởng tốt. Làm không tốt sẽ có ảnh
hưởng không tốt đến các thế hệ sau”(4).
2. Xây dựng một nền giáo dục mới theo hướng
dân tộc, hiện đại và nhân văn, lấy phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân làm nền tảng
Trước hết, Hồ Chí Minh lên án nền giáo dục
thực dân cũ nhằm mục đích ngu dân, gieo nọc độc, làm cho thanh niên Việt Nam
quên Tổ quốc, xa giống nòi, quên thân phận nô lệ, tách rời khỏi cuộc đấu tranh
cho tự do, độc lập của dân tộc. Bởi vậy, sau Cách mạng Tháng Tám, Người chủ
trương xây dựng một nền giáo dục mới, “đào tạo các em nên những người hữu ích
cho nước Việt Nam”, “học để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, làm cho dân
giàu, nước mạnh”(5). Để đạt được mục tiêu đó, Hồ Chí Minh phát động phong trào
chống nạn mù chữ, thất học, làm cho mọi người dân đều “biết đọc, biết viết chữ
quốc ngữ”. Người yêu cầu phải sửa đổi triệt để nội dung chương trình, sách giáo
khoa cho phù hợp với sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Phải làm sao cho việc giảng
dạy đào tạo của nhà trường luôn gắn liền với thực tế của nước nhà, với đời sống
của nhân dân. Phải tẩy sạch ảnh hưởng của nền giáo dục thực dân còn sót lại
như: Học để lấy bằng cấp, dạy theo lối nhồi sọ. Người chủ trương phải xây dựng
một nền giáo dục toàn diện, “phải chú trọng đến các mặt: Đạo đức cách mạng,
giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, khoa học-kỹ thuật, lao động và sản xuất”(6).
Phải coi trọng cả việc rèn luyện thân thể cho học sinh để giữ gìn bồi đắp sức
khỏe, vì “việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công”.
3. Phải hình thành được cho học sinh nhu cầu
và khả năng tự học để học suốt đời
Theo Hồ Chí Minh: “Học hỏi là một việc phải
tiếp tục suốt đời. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi”(7).
Người nói và tự nêu gương về việc học: “Tôi năm nay đã 71 tuổi, ngày nào cũng
phải học… công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ
gạt mình lại phía sau”(8). Người cũng nhắc lại lời của Lênin: Học, học nữa, học
mãi, “còn sống còn phải học”, “học suốt đời”.
Xuất phát từ quan điểm “học để làm việc”,
do đó, về nội dung học, Người đòi hỏi phải thiết thực, gắn với yêu cầu của công
việc bản thân, với yêu cầu của đất nước, không được viển vông, chạy theo sở
thích nhất thời của cá nhân. Về phương pháp, Người rất chú trọng về cách học.
Người chỉ rõ: “Phải lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào”(9), tức
là thực hiện kết hợp 3 khâu: Tự học của cá nhân phải làm cốt, thảo luận của tập
thể và hướng dẫn của giảng viên chỉ bổ sung thêm vào. Bàn về công tác huấn luyện
của Đảng, Người chỉ thị: “Phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học”, “phải biết tự
động học tập”, không phải có thầy mới học, mà phải tự tìm sách đọc, lấy sách
làm thầy.
Trên đây là những nội dung cơ bản trong tư
tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục. Quán triệt tư tưởng của Người, dưới sự quan tâm
và lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp giáo dục của nước ta trong những năm qua đã đạt
được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, cùng với những thành tựu, thực tiễn giáo dục vẫn tồn tại
nhiều vấn đề cần khắc phục. Để hướng đến xây dựng một nền giáo dục Việt Nam hiện
đại, hội nhập thế giới, chúng ta cần phải nghiên cứu, quán triệt sâu sắc những
lời căn dặn của Hồ Chí Minh về giáo dục, đó cũng là nền tảng tư tưởng để Đảng
và Nhà nước xây dựng chiến lược phát triển Việt Nam trong thời đại mới.
-------------------------------------
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 1995,
t.4, tr.8-9
Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.4, tr.33
Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.9, tr.222
Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.8, tr.183
Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.7, tr.399
Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.10, tr.190
Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.8, tr.215
Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.10, tr.465
Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.5, tr.273
contact-form
إرسال تعليق