Bài 3: PHÁP LUẬT DÂN SỰ (Pháp luật trình độ cao đẳng)

 

Bài 3:

PHÁP LUẬT DÂN SỰ

1. Khái niệm, đối tượng và phương pháp điều chỉnh của Luật Dân sự

1.1. Khái niệm

Luật Dân sự là một ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam – tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ tài sản mang tính chất hàng hóa – tiền tệ và các quan hệ nhân thân trên cơ sở bình đẳng, độc lập của các chủ thể khi tham gia vào các quan hệ đó[1].

1.2. Đối tượng và phương pháp điều chỉnh

a) Đối tượng điều chỉnh

Đối tượng điều chỉnh của Luật Dân sự những nhóm quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân.

- Quan hệ tài sản là quan hệ giữa người với người thông qua một tài sản. Quan hệ tài sản bao giờ cũng gắn với một tài sản nhất định được thể hiện dưới các dạng khác nhau[2];

- Quan hệ nhân thân là những quan hệ phát sinh từ một giá trị tinh thần, trí tuệ của một cá nhân hay tổ chức hoặc các chủ thể khác và luôn gắn liền với chủ thể đó. Trong nhiều trường hợp, quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác.

Quan hệ nhân thân được chia làm hai nhóm (Khoản 1, Điều 17, Bộ luật Dân sự 2015):

- Quan hệ nhân thân gắn với tài sản nghĩa là các quan hệ nhân thân làm tiền đề để phát sinh tài sản chỉ phát sinh trên cơ sở xác định được các quan hệ nhân thân như: Quyền tác giả; Quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng;

- Quan hệ nhân thân không gắn với tài sản là những quan hệ giữa người với người về những lợi ích tinh thần tồn tại một cách độc lập không liên quan gì đến tài sản như: quyền đối với họ, tên; Quyền thay đổi họ, tên; Quyền xác định dân tộc; quyền được khai sinh; Quyền được khai tử; Quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết; Quyền kết hôn; Quyền bình đẳng của vợ chồng; Quyền ly hôn...).

b) Phương pháp điều chỉnh

Phương pháp điều chỉnh đặc trưng của Luật Dân sự là tôn trọng sự bình đẳng, thỏa thuận của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật dân sự.

2. Các nguyên tắc cơ bản của Luật Dân sự

Thứ nhất, mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; Được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.

Cụm từ “bất kỳ lý do nào” đã bao hàm tất cả các lý do có thể có, bao gồm: Dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, hoàn cảnh kinh tế, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp.

Bình đẳng là điều mà mọi ngành luật đều hướng tới với mục đích đảm bảo quyền, lợi ích, nghĩa vụ giữa các bên là như nhau. Luật Dân sự điều chỉnh những quan hệ xã hội chung nhất, cơ bản nhất nên sự bình đẳng càng được chú trọng và quan tâm hơn. 

Thứ hai, cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.

Tự do, tự nguyện là nguyên tắc cơ bản của các ngành luật nói chung. Mọi cam kết, thỏa thuận giữa các chủ thể đều phải đảm bảo tính tự do, tự nguyện. Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.

Các chủ thể tự quyết định tham gia hay không tham gia vào các quan hệ dân sự. Khi tham gia, các chủ thể tùy theo ý chí của mình lựa chọn đối tác tham gia, nội dung quan hệ mà họ tham gia, cách thức, biện pháp thực hiện các quyền và nghĩa vụ.

Thứ ba, cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.

Nhằm mục đích đảm bảo quyền lợi của các chủ thể khi tham gia quan hệ pháp luật dân sự; Đồng thời phải thể hiện rõ ý chí của mình làm cơ sở thực hiện những thỏa thuận, cam kết trong mối quan hệ này.

Trung thực trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự của mình là một trong những yêu cầu quan trọng mà pháp luật quy định cho các bên. Sự trung thực đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các chủ thể được thực hiện đúng với thực tế, tránh gây thiệt hại cho chủ thể tham gia quan hệ dân sự.

Thứ tư, việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác (Khoản 4, Điều 3, Bộ luật Dân sự 2015).

Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự giữa các bên chủ thể tham gia giao dịch dân sự là hoạt động của các bên chủ thể, liên quan đến lợi ích của các bên chủ thể và chủ thể có liên quan. Nếu hành vi trên xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì các bên chủ thể sẽ phát sinh nghĩa vụ dân sự đối với những thiệt hại do hành vi xâm phạm đó gây nên.

Vì thế việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Thứ năm, cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.

Cá nhân, pháp nhân phải có trách nhiệm đối với hành vi mình gây ra cũng như chịu trách nhiệm với việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.

 Đây là một trong những quy định bắt buộc làm cơ sở để giải quyết tranh chấp nếu có, đồng thời là một trong những biện pháp buộc các bên phải thực hiện nghiêm túc những thỏa thuận, cam kết trong mối quan hệ dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể pháp luật dân sự.

3. Một số nội dung của Bộ luật Dân sự

Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội Việt Nam thông qua ngày 24 tháng 11 năm 2015 gồm 6 phần, 27 chương và 689 điều.

Phần thứ nhất là quy định chung, bao gồm 10 chương về xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự; cá nhân; pháp nhân; Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cơ quan nhà nước ở trung ương, ở địa phương trong quan hệ dân sự; hộ gia đình, tổ hơp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân trong quan hệ dân sự; Tài sản; Giao dịch dân sự; Đại diện; Thời hạn và thời hiệu.

Phần thứ hai là quy định quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản bao gồm 4 chương về: Chiếm hữu; Quyền sở hữu; Quyền khác đối với tài sản;

Phần thứ ba quy định về nghĩa vụ và hợp đồng bao gồm 6 chương về: Một số hợp đồng thông dụng; Hứa thưởng, thi có giải; Thực hiện công việc không có ủy quyền; Nghĩa vụ hoàn trả do chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật; trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Phần thứ tư quy định về thừa kế” bao gồm 4 chương về: Thừa kế theo di chúc; Thừa kế theo pháp luật; Thanh toán và phân chia di sản.

Phần thứ năm quy định về pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài bao gồm 3 chương về: Pháp luật áp dụng đối với cá nhân, pháp nhân; Pháp luật áp dụng đối với quan hệ tài sản, quan hệ nhân thân.

Phần thứ sáu quy định về điều khoản thi hành gồm 02 điều (Điều 688 và Điều 689).

Sau đây là một số nội dung của Bộ luật Dân sự (2015):

3.1. Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản

3.1.1. Quyền sở hữu

Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản được quy định tại chương XIII và chương XIV từ Điều 186 đến Điều 273, Bộ luật Dân sự (2015).

Điều 158 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật.

- Quyền chiếm hữu:

Được quy định từ Điều 186 đến Điều 188 của Bộ luật Dân sự (2015) quy định cụ thể về quyền chiếm hữu của chủ sở hữu; Quyền chiếm hữu của người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản; Quyền chiếm hữu của người được giao tài sản thông qua giao dịch dân sự.

+ Điều 186 Bộ luật Dân sự (2015) quy định quyền chiếm hữu của chủ sở hữu: Trong trường hợp chủ sở hữu tự mình chiếm hữu tài sản thuộc quyền sở hữu của mình thì “Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, chi phối tài sản của mình nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội”;

+ Quyền chiếm hữu của người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản (Điều 187, Bộ luật Dân sự 2015).

- Quyền sử dụng:

Được quy định từ Điều 189 đến Điều 191 Bộ luật Dân sự 2015, theo đó:

Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản.

Quyền sử dụng có thể được chuyển giao cho người khác theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật (Điều 189, Bộ luật Dân sự 2015).

Chủ sở hữu được sử dụng tài sản theo ý chí của mình nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác (Điều 190, Bộ luật Dân sự 2015).

Người không phải là chủ sở hữu được sử dụng tài sản theo thỏa thuận với chủ sở hữu hoặc theo quy định của pháp luật (Điều 191, Bộ luật Dân sự 2015).

- Quyền định đoạt:

Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản (Điều 193, Bộ luật Dân sự 2015).

Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản (Điều 194, Bộ luật Dân sự 2015).

Người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo ủy quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của luật (Điều 195, Bộ luật Dân sự 2015).

3.1.2.  Quyền khác đối với tài sản

Quyền khác đối với tài sản là quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác (Điều 159, Bộ luật Dân sự 2015).

Quyền khác đối với tài sản bao gồm:

- Quyền đối với bất động sản liền kề (Điều 245, Bộ luật Dân sự 2015):

Quyền đối với bất động sản liền kề là quyền được thực hiện trên một bất động sản (gọi là bất động sản chịu hưởng quyền) nhằm phục vụ cho việc khai thác một bất động sản khác thuộc quyền sở hữu của người khác (gọi là bất động sản hưởng quyền). Hay nói cách khác là quyền của chủ sở hữu bất động sản (bị vây bọc) trong những điều kiện do pháp luật quy định, được sử dụng bất động sản (vây bọc) của người khác trong những phạm vi xác định để thỏa mãn việc khai thác, sử dụng một cách hợp lý bất động sản thuộc sở hữu của mình. Một số quy định về quyền đối với bất động sản liền kề như: Quyền về cấp, thoát nước qua bất động sản liền kề; Quyền về tưới nước, tiêu nước trong canh tác; Quyền về lối đi qua; Mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản khác….

- Quyền hưởng dụng (Điều 257, Bộ luật Dân sự 2015):

Quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định.

Người hưởng dụng có quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng trong thời gian quyền này có hiệu lực.

- Quyền bề mặt (Điều 267, Bộ luật Dân sự 2015):

Là quyền của một chủ thể đối với mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất mà quyền sử dụng đất đó thuộc về chủ thể khác. Quyền bề mặt có hiệu lực từ thời điểm chủ thể có quyền sử dụng đất chuyển giao mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất cho chủ thể có quyền bề mặt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.

3.2. Hợp đồng

3.2.1. Khái niệm

Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự (Điều 385, Bộ luật Dân sự 2015).

Việc giao kết hợp đồng dân sự phải tuân theo các nguyên tắc: Tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội; Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng.

Điều 119, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hình thức của giao dịch dân sự như sau:

Hình thức của hợp đồng dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Hình thức của hợp đồng dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

3.2.2. Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng dân sự

Điều 117, Bộ luật Dân sự 2015 quy định hợp đồng dân sự, giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

- Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội;

- Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

3.2.3. Chủ thể của hợp đồng dân sự

Chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự bao gồm cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác và nhà nước với tư cách là chủ thể đặc biệt.

Chủ thể là cá nhân khi giao kết hợp đồng dân sự phải đạt những điều kiện về chủ thể của một giao dịch dân sự, đó là người tham gia giao dịch phải có năng lực hành vi dân sự.

Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên. Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, hạn chế năng lực hành vi dân sự (Điều 20, Bộ luật Dân sự 2015).

Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý (Điều 21, Bộ luật Dân sự 2015).

Chủ thể là pháp nhân thương mại khi tiến hành ký kết hợp đồng, giao dịch dân sự phải thông qua đại diện của pháp nhân có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền.

Đối với hộ gia đình trong trường hợp việc định đoạt tài sản thông qua các hợp đồng dân sự đối tượng là bất động sản, cụ thể là quyết định việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình thì cần có sự thỏa thuận, đồng ý của các thành viên trong gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

3.2.4. Nội dung hợp đồng dân sự

Các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng. Tuy nhiên theo quy định tại Điều 398, Bộ luật Dân sự 2015 hợp đồng có thể có các nội dung sau đây:

- Đối tượng của hợp đồng;

- Số lượng, chất lượng;

- Giá, phương thức thanh toán;

- Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;

- Quyền, nghĩa vụ của các bên;

- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

- Phương thức giải quyết tranh chấp.

Để bảm đảm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng dân sự, từ Điều 292 đến 350, Bộ luật Dân sự 2015 quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hợp đồng gồm: Cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu, bảo lãnh; tín chấp, cầm giữ tài sản.

3.2.5. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Người nào do lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc các chủ thể khác mà gây thiệt hại, thì phải bồi thường.

- Thiệt hại về tài sản:

Điều 589, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Trong trường hợp tài sản bị xâm hại thì thiệt hại bao gồm tài sản bị mất, hủy hoại hoặc hư hỏng; lợi ích gắn liền với việc sử dụng tài sản, khai thác tài sản; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại.

- Thiệt hại về sức khỏe:

Điều 590, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc chữa trị, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; Nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định hoặc không thể xác định thì áp dụng mức trung bình của người lao động cùng loại...

- Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm:

Điều 591, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết; chi phí hợp lý cho việc mai táng; Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; Tùy từng trường hợp, tòa án buộc người gây thiệt hại do xâm phạm tính mạng phải bồi thường một khoản tiền bù đắp tinh thần cho những người thân thích, gần gũi của người bị thiệt hại.

- Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại:

Điều 591, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; tùy trường hợp, ngoài việc yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, tòa án quyết định người gây thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại phải bồi thường một khoản tiền bù đắp tinh thần cho những người bị xâm hại...

Điều 588, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

 

CÂU HỎI

1. Trình bày đối tượng, phương pháp điều chỉnh của Luật Dân sự?

2. Trình bày các nguyên tắc cơ bản của Luật Dân sự?

3. Trình bày điều kiện có hiệu lực của hợp đồng dân sự?

4. Trình bày các nội dung của hợp đồng dân sự?

 



[1].

[2] Giáo trình Luật dân sự Việt Nam. Trường Đại học luật Hà Nội, 2017.

1 تعليقات

  1. What are the best slots machines to play in NJ? - JTM Hub
    Find the best slot machines to play in NJ? 구리 출장마사지 At 원주 출장안마 JTM's JT Hub, you can find hundreds of 양주 출장샵 video slot machines and video poker 밀양 출장안마 machines, as 수원 출장안마 well as

    ردحذف

إرسال تعليق

أحدث أقدم