Festival hoa Đà Lạt 2022 khác biệt những lần trước, có điểm nhấn ấn tượng

(Du lịch Đà Lạt) - Đó là một trong những yêu cầu của UBND tỉnh Lâm Đồng khi ban hành kế hoạch tổ chức Festival hoa Đà Lạt lần thứ IX - năm 2022.
Festival hoa Đà Lạt phải có đổi mới, độc đáo, khác biệt

Ngày 27.7, ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký ban hành chính thức kế hoạch tổ chức Festival hoa Đà Lạt lần thứ IX - năm 2022.

Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu phát huy tinh thần trách nhiệm các cấp, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân trong việc tham gia, phối hợp và chuẩn bị tổ chức tốt các chương trình, sự kiện của Festival hoa Đà Lạt 2022 gắn với chương trình “Bảo Lộc – Hương trà, sắc tơ”.

“Tăng cường xã hội hóa các nguồn lực cho việc tổ chức lễ hội. Chương trình, sự kiện của lễ hội phải có sự đổi mới, sáng tạo, phong phú, chuẩn bị chu đáo và khác biệt so với các kỳ lễ hội trước. Phải thể hiện rõ nét lễ hội mang tính cộng đồng, thu hút sự tham gia, hưởng ứng tích cực của doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh; đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm và có điểm nhấn thật sự ấn tượng, đồng thời để lại được những công trình sử dụng lâu dài sau lễ hội”, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu.



Festival hoa Đà Lạt diễn ra trong 2 tháng

Theo kế hoạch được công bố, Festival hoa Đà Lạt lần này có chủ đề “Đà Lạt – Thành phố bốn mùa hoa”. Không như các kỳ Festival trước tổ chức trong “tuần hội”, Festival lần IX-2022 này diễn ra trong 2 tháng - từ ngày 1.11 đến hết ngày 31.12 và không gian tổ chức Festival hoa diễn ra tại TP.Đà Lạt, TP.Bảo Lộc và các huyện trong tỉnh.



Festival hoa Đà Lạt năm nay gồm 10 chương trình chính, 41 chương trình hưởng ứng. Chương trình đầu tiên trong 10 chương trình chính là "Không gian hoa" do UBND TP.Đà Lạt chủ trì, diễn ra từ ngày 22.12.2022 đến hết ngày 31.1.2023 (tức mùng 10 tết âm lịch Quý Mão 2023), gồm có tiểu cảnh hoa trên mặt hồ Xuân Hương và các tiểu cảnh hoa xung quanh bờ hồ Xuân Hương – khu vực đối diện chùa Quán Thế Âm; đường hoa Lê Đại Hành, cầu Ông Đạo, công viên Trần Hưng Đạo, đường Nguyễn Văn Cừ, đài phun nước Đà Lạt và không gian sắc màu hoa tại khu C công viên Trần Quốc Toản.



9 chương trình chính còn lại gồm: Chương trình đại nhạc hội chào mừng Festival hoa Đà Lạt (ngày 18-19.11 tại Quảng trường Lâm Viên, TP.Đà Lạt); Chương trình nghệ thuật “Bảo Lộc – Hương trà, sắc tơ” (ngày 10.12, tại Quảng trường 28.3, TP.Bảo Lộc); Chương trình nghệ thuật đặc biệt công bố Festival hoa Đà Lạt (tối 17.12, tại Quảng trường Lâm Viên);



Chương trình diễn thời trang "Tơ lụa – Con đường di sản" và không gian triển lãm "Thiên đường Tây nguyên" tại khu vực ven hồ Xuân Hương (cụ thể: trình diễn thời trang "Tơ lụa – Con đường di sản": ngày 18.12; không gian triển lãm "Thiên đường Tây nguyên": từ ngày 11.11.2022 – 1.1.2023; trình diễn thời trang thổ cẩm ngày 12.11); Chương trình nghệ thuật "Khát vọng Đà Lạt" (ngày 24.12, tại Quảng trường Lâm Viên); Trưng bày, triển lãm hoa và cây có hoa quốc tế (từ 15.12.2022 – 2.1.2023 tại Vườn hoa Đà Lạt);

Chung kết “Hoa hậu Trái đất Việt Nam năm 2022 – Miss Earth VietNam” sẽ diễn ra tại H.Lạc Dương vào ngày 30.12; Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Lâm Đồng (trong tháng 12); Chương trình nghệ thuật chào năm mới 2023 diễn ra vào tối ngày 31.12 tại Quảng trường Lâm Viên.

Ngắm TP.Đà Lạt từ trên cao bằng máy bay trực thăng

Kế hoạch tổ chức Festival hoa Đà Lạt cũng công bố 41 chương trình hưởng ứng, diễn ra từ tháng 7 đến tháng 12.2022 do các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố phối hợp cùng các hiệp hội và các doanh nghiệp có liên quan tổ chức.

Trong các chương trình hưởng ứng này, đáng chú ý có chương trình lễ hội khinh khí cầu, dự kiến diễn ra vào tháng 12.2022 tại sân golf Dalat Palace (TP.Đà Lạt) do Công ty CP hàng không Vietjet thực hiện và tour du lịch ngắm TP.Đà Lạt từ trên cao bằng máy bay trực thăng (dự kiến diễn ra trong tháng 12) do Công ty CP hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt (Vietstar Airlines) chủ trì thực hiện.

Festival hoa Đà Lạt được tổ chức nhằm mục đích đẩy mạnh và nâng cao giá trị của thương hiệu “Đà Lạt – Thành phố Festival hoa”; đồng thời quảng bá hình ảnh du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng, thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” gắn với loại hình du lịch canh nông và các nông sản đặc thù của địa phương.

Nguồn: thanhnien.vn

contact-form

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn