1. Khái niệm, đối tượng và phương pháp điều chỉnh của Luật Hành chính
1.1. Khái niệm Luật Hành chính
Luật Hành chính là một ngành
luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, bao gồm
hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh giữa
các cơ quan nhà nước với nhau, giữa các cơ quan nhà nước với tổ chức và cá nhân
công dân trong quá trình hoạt động quản lý hành chính nhà nước.
Luật
Hành chính bao gồm toàn bộ các quy phạm điều chỉnh những quan hệ xã hội phát
sinh trong quá trình tổ chức và thực hiện hoạt động chấp hành và điều hành của
các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các tổ chức xã hội được nhà nước trao quyền
quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.
1.2. Đối tượng và phương pháp
điều chỉnh của Luật Hành chính
Đối tượng điều chỉnh của Luật Hành chính là các
quan hệ xã hội hình thành trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước. Các quan
hệ quản lý hành chính đó là:
- Các quan hệ quản lý phát sinh trong quá trình các cơ quan hành chính nhà
nước (Chính phủ, các Bộ, Uỷ ban nhân dân....) thực hiện hoạt động chấp hành và
điều hành trên mọi lĩnh vực của đời sống xã
hội.
- Các quan hệ quản lý hình thành trong quá trình các cơ quan quyền lực Nhà
nước (Quốc hội, Hội đồng nhân dân), Tòa án, Viện Kiểm sát xây dựng và củng cố
chế độ công tác nội bộ của cơ quan.
- Các quan hệ quản lý hình thành trong quá trình các cơ quan nhà nước khác,
các cá nhân và tổ chức được nhà nước trao quyền thực hiện hoạt động quản lý nhà
nước trong một số trường hợp cụ thể do pháp luật quy định.
Trong 3 nhóm quan hệ kể trên
thì nhóm quan hệ thứ nhất là nhóm quan hệ cơ bản nhất mà Luật Hành chính điều
chỉnh. Theo đó, các quan hệ quản lý của cơ quan nhà nước phát sinh trong hoạt
động chấp hành và điều hành gồm những mối quan hệ sau đây:
- Mối quan hệ giữa cơ quan
hành chính nhà nước cấp trên với cơ quan hành chính cấp dưới theo hệ thống dọc
(ví dụ quan hệ giữa Chính phủ với các Bộ, giữa Uỷ ban nhân dân tỉnh với Uỷ ban
nhân dân huyện);
- Mối quan hệ giữa cơ quan
hành chính cùng cấp, thực hiện các mối quan hệ phối hợp, phục vụ lẫn nhau (ví
dụ mối quan hệ giữa các Sở, quan hệ giữa các Phòng thuộc Uỷ ban nhân dân huyện,
quan hệ giữa các Cục, Vụ thuộc Bộ với nhau...);
- Mối quan hệ giữa các cơ
quan hành chính nhà nước với các đơn vị cơ sở trực thuộc (ví dụ mối quan hệ
giữa Ủy ban nhân dân huyện với các đơn vị trực thuộc...);
- Mối quan hệ giữa các cơ
quan hành chính có thẩm quyền với các tổ chức sự nghiệp và các tổ chức kinh
doanh của các thành phần kinh tế trong xã hội (ví dụ quan hệ giữa Bộ Y tế với
các bệnh viện, trung tâm y tế; Quan hệ giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư với các doanh
nghiệp trong hoạt động đăng ký kinh doanh...);
- Mối quan hệ giữa cơ quan
hành chính có thẩm quyền với các tổ chức xã hội và các đoàn thể nhân dân (ví dụ
quan hệ giữa Uỷ ban nhân dân tỉnh với các tổ chức xã hội trong vấn đề đăng ký
lập Hội, phê chuẩn Điều lệ hoạt động Hội; Quan hệ giữa Chính phủ với Tổng Liên
đoàn Lao động Việt nam trong việc phối hợp hoạt động bảo đảm quyền của người
lao động...);
- Mối quan hệ giữa các cơ
quan hành chính có thẩm quyền và công dân (ví dụ quan hệ giữa Uỷ ban nhân dân
cấp xã với công dân trong vấn đề đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn; Quan hệ
giữa cơ quan Địa chính - Xây dựng với công dân trong hoạt động cấp phép xây
dựng...);
Như vậy, Luật Hành chính bao gồm
toàn bộ các quy phạm điều chỉnh những quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình
tổ chức và thực hiện hoạt động chấp hành và điều hành của các cơ quan nhà nước
có thẩm quyền, các tổ chức xã hội được nhà nước trao quyền quản lý nhà nước
trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.
b) Phương pháp điều
chỉnh
Ðặc trưng của phương pháp điều chỉnh của Luật Hành chính
là tính mệnh lệnh - đơn phương, xuất phát từ quan hệ quyền uy - phục tùng giữa
một bên có quyền nhân danh nhà nước và ra những mệnh lệnh bắt buộc đối với bên
có nghĩa vụ phục tùng. Phương pháp này được xây dựng trên các nguyên tắc sau:
- Một bên được nhân danh nhà nước sử
dụng quyền lực để đưa ra các quyết định hành chính còn bên kia phải tuân theo
những quyết định hành chính.
- Quyết định hành chính phải thuộc phạm
vi thẩm quyền của bên nhân danh nhà nước, vì lợi ích nhà nước, lợi ích xã hội,
trên cơ sở pháp luật có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với các bên hữu quan và
được đảm bảo thi hành bằng sự cưỡng chế nhà nước.
Ngoài
ra, có những trường hợp phương pháp thoả thuận được áp dụng trong quan hệ pháp
luật hành chính, còn gọi là "quan hệ pháp luật hành chính theo chiều
ngang". Cụ thể như khi ban hành các văn bản liên bộ, liên ngành, liên
tịch... (ví dụ: Thông tư Liên tịch giữa Bộ trưởng, cơ quan ngang bộ với Chánh
án Tòa án nhan dân tối cao…). Tuy nhiên, các "quan hệ pháp luật hành chính
theo chiều ngang" cũng là tiền đề cho sự xuất hiện "quan hệ pháp luật
hành chính theo chiều dọc". Suy cho cùng, các quan hệ pháp luật hành chính
cũng không hoàn toàn bình đẳng tuyệt đối. Trên những đặc quyền hành chính và
thể chế hành chính, các bên chấp nhận những đề nghị của nhau, cùng phục vụ cho
mục đích quản lý hành chính nhà nước.
2. Vi phạm và xử lý vi
phạm hành chính
2.1. Vi phạm hành chính
2.1.1. Khái niệm vi phạm hành chính
Vi phạm hành chính là loại vi phạm pháp luật
xảy ra khá phổ biến trong đời sống xã hội. Tuy mức độ nguy hiểm cho xã hội của
nó thấp hơn so với tội phạm nhưng vi phạm hành chính là hành vi gây thiệt hại
hoặc đe dọa gây thiệt hại cho lợi ích của nhà nước, tập thể, lợi ích của cá
nhân cũng như lợi ích chung của toàn thể cộng đồng, là nguyên nhân dẫn đến tình
trạng phạm tội nảy sinh trên các lĩnh vực của đời sống xã hội nếu như không
được ngăn chặn kịp thời.
Theo Khoản 1, Điều 2, Luật Xử lý vi
phạm hành chính (2012) thì vi phạm hành chính là hành vi
có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý
nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử
phạt vi phạm hành chính.
2.1.2. Các dấu hiệu của vi phạm hành chính
Từ khái niệm về vi phạm hành chính thì chúng ta thấy rằng
vi phạm hành chính có các dấu hiệu sau:
Thứ nhất, vi
phạm hành chính là hành vi trái pháp luật, vi phạm các quy định của pháp luật
về quản lý nhà nước; tác hại (tính nguy hiểm) do hành vi gây ra ở mức độ thấp,
chưa hoặc không cấu thành tội phạm hình sự và hành vi đó được quy định trong
các văn bản pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Đây chính là dấu hiệu
“pháp định” của vi phạm.
Thứ hai, hành vi đó phải là
một hành vi khách quan đã được thực hiện (hành động hoặc không hành động), phải
là một việc thực, chứ không phải chỉ tồn tại trong ý thức hoặc mới chỉ là dự
định, đây có thể coi là dấu hiệu “vật chất” của vi phạm.
Thứ ba, hành vi đó do một cá nhân
hoặc pháp nhân (tổ chức) thực hiện, đây là dấu hiệu xác định “chủ thể” của vi
phạm.
Thứ tư, hành vi đó là một
hành vi có lỗi, tức là người vi phạm nhận thức được vi phạm của mình, hình thức
lỗi có thể là cố ý, nếu người vi phạm nhận thức được tính chất trái pháp luật
trong hành vi của mình, thấy trước hậu quả của vi phạm và mong muốn hậu quả đó
xảy ra hoặc ý thức được hậu quả và để mặc cho hậu quả xảy ra; Hình thức lỗi là
vô ý trong trường hợp người vi phạm thấy trước được hậu quả của hành vi nhưng
chủ quan cho rằng mình có thể ngăn chặn được hậu quả hoặc không thấy trước hậu
quả sẽ xảy ra dù phải thấy trước và có thể thấy trước được hậu quả của vi phạm.
Đây có thể coi là dấu hiệu “tinh thần” của vi phạm.
2.2. Xử lý vi phạm hành chính
2.2.1. Khái niệm
Theo Khoản 2, Điều 2, Luật Xử lý vi
phạm hành chính (2012): Xử
phạt vi phạm hành chính là việc
người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu
quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định
của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.
2.2.2. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành
chính
Theo Khoản 1, Điều 3, Luật Xử lý vi phạm hành
chính (2012) thì nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
- Mọi vi phạm hành
chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi
hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của
pháp luật;
- Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh
chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định
của pháp luật;
- Việc xử phạt vi
phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng
vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;
- Chỉ xử phạt vi
phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.
Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.
Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính
thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.
Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc
vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm;
- Người có thẩm
quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị
xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình
không vi phạm hành chính;
- Đối với cùng một
hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức
phạt tiền đối với cá nhân.
Không xử phạt vi phạm hành chính
trong các trường hợp: Tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ,
hoặc vi phạm khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng
nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
2.2.3. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính
Theo Điều 21, Luật Xử lý vi phạm hành chính (2012) quy định các hình
thức xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
- Cảnh cáo;
- Phạt tiền;
- Tước
quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt
động có thời hạn;
- Trục xuất.
Hình thức xử
phạt cảnh cáo và phạt tiền chỉ được quy định và áp dụng là hình thức xử phạt
chính.
Đối với mỗi vi
phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính chỉ bị áp dụng một hình
thức xử phạt chính; Có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung
quy định của Luật xử lý vi phạm hành
chính (2012). Hình thức xử phạt bổ sung chỉ được áp dụng kèm theo hình
thức xử phạt chính.
CÂU HỎI
Câu 1. Anh/ chị hãy trình bày khái niệm Luật Hành chính,
đối tượng và phương pháp điều chỉnh Luật Hành chính?
Câu 2. Trình bày khái niệm vi phạm hành chính và các dấu
hiệu của vi phạm hành chính?
Câu 3. Trình bày nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính và
các hình thức xử phạt vi phạm hành chính?
Đăng nhận xét